Buổi hòa nhạc To Zanarkand (Hành trình tới thành phố không ngủ) là trải nghiệm độc đáo cho khán thính giả tại TP.HCM khi kết hợp giữa hai yếu tố rock, giao hưởng và nhạc nền của tựa game Final Fantasy.
Sau hai đêm diễn 27-10 và 28-10 tại The Global City (TP Thủ Đức, TP.HCM), buổi hòa nhạc To Zanarkand do dàn nhạc trẻ IPO (Imagine Philharmonic Orchestra) kết thúc với phần encore đầy cảm xúc và tràng vỗ tay nồng nhiệt từ khán giả.
Mang giao hưởng từ Final Fantasy đến với giới trẻ
Zanarkand là tên của một tàn tích trong trò chơi điện tử đình đám Final Fantasy. Tuy đã bị hủy diệt, bản thể của thành phố này vẫn tồn tại nhờ ma thuật và giấc mơ của những người dân nơi đây.
Dàn giao hưởng IPO đã đưa cả thính phòng thăng hoa cùng ký ức, tiến vào “cõi mộng” Zanarkand để gặp gỡ những nhân vật trong ký ức tuổi thơ.
Dòng game Final Fantasy (FF) ra mắt từ đầu thập niên 1990 và vẫn là một trong những series trò chơi nhập vai ăn khách hiện nay. Chính vì vậy, khán giả của sự kiện quy tụ nhiều thế hệ từ lứa 8X, 9X đến các bạn trẻ sinh sau năm 2000.
Theo nhạc trưởng Tiêu Nguyễn Đức Anh (sinh năm 1997, lứa đầu gen Z và được biết đến với nghệ danh Dustin Tiêu), khi nói đến tựa game này người ta nghĩ ngay đến âm nhạc và hình ảnh.
Đây là hai thế mạnh của dàn nhạc, phù hợp với tệp khách hàng IPO đang hướng tới là thế hệ 8X, 9X đời đầu. Họ từng “mê mệt” series này và giờ đã có điều kiện, nhu cầu đi xem hòa nhạc.
“Khán giả của mình có nhiều 8X, 9X thì giờ cũng đã trên dưới 30 tuổi rồi, tuy nhiên tâm hồn họ lại trẻ, rất máu lửa. Họ đến đây để tìm lại ký ức khi xưa và những kỷ niệm với tác phẩm này” – Dustin chia sẻ.
Khán giả Nguyễn Khắc Phú (32 tuổi) bày tỏ: “Vì yêu thích dòng game này, mình từng đi nghe nhiều buổi giao hưởng nhạc nền của Final Fantasy. Những sự kiện thế này đem dòng nhạc này đến gần mình hơn”.
IPO mạnh dạn chọn một chủ đề khá “kén” khán giả khi không phải game thủ nào cũng nghe nhạc giao hưởng và không phải người yêu nhạc giao hưởng nào cũng chơi game.
Nhạc trưởng Dustin Tiêu nhận định đây là bước đi thử nghiệm so với những buổi hòa nhạc về Ghibil, Harry Potter hay Disney trước đây, vốn gần gũi hơn với đông đảo đại chúng.
Khi nhạc trưởng là game thủ
Được kiến tạo bởi nhà soạn nhạc Nobuo Uematsu, những khúc ca bất hủ với người hâm mộ như One Wing Angel, Suteki Da Ne hay Yuna’s Theme vang lên vừa du dương, vừa hùng tráng, mang bản sắc của một tác phẩm giao hưởng cổ điển.
Với Dustin Tiêu, trò chơi điện tử là “tài nguyên” cho nhiều dự án anh ấp ủ sau này.
“Từ trước đến nay, mình từng chơi nhiều tựa game có nhạc giao hưởng, điển hình như Liên Minh Huyền Thoại có rất nhiều rock symphony tương tự Final Fantasy.
Gần đây, mình chơi God of War, nhạc thiên về hùng ca bi tráng (epic), đòi hỏi đầu tư hơn và bọn mình đã dự định khai thác khía cạnh này vào năm sau” – anh nói.
Với những khán giả trẻ hơn, dòng nhạc này cũng không xa lạ. Khán giả Vũ Nam Anh (25 tuổi) nói: “Yếu tố nhạc giao hưởng có rất nhiều trong những game mình chơi hằng ngày, ngoài Final Fantasy, mình chơi Dragon Quest nên dòng nhạc này không hề xa lạ, dù mới nghe live lần đầu.
Sự khác biệt dễ nhận thấy nhất giữa nghe nhạc trong game và ngoài đời là không khí của thính phòng. Ở đây không chỉ có âm nhạc mà còn có hiệu ứng hình ảnh, phản ứng của khán giả… tạo cho mình xúc cảm khác hẳn ở nhà”.
Nhạc trưởng Dustin Tiêu chia sẻ thêm sự phát triển của công nghệ và game phần nào giúp xóa nhòa ranh giới giữa người chơi và thính phòng giao hưởng.
Tuy nhiên, khi chơi game có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm nghe nhìn của khán giả như thoại, diễn biến game… nên khó tận hưởng trọn vẹn bản nhạc. Đó là một phần lý do anh tổ chức đêm diễn này.
“Sau hôm nay, mình càng tin chắc ngành biểu diễn live sẽ luôn có vị thế riêng biệt. Năng lượng trong thính phòng giữa nhạc công và khán giả là thứ mà không dàn âm thanh đắt tiền nào có thể tái hiện được” – anh khẳng định.
Cảm hứng từ phim Đất rừng phương Nam
Dustine chia sẻ thêm về tham vọng của IPO trong thời gian tới: “Mới đây, phim Đất rừng phương Nam đã truyền cảm hứng cho mình thử nghiệm những buổi hòa nhạc mang đậm chất Việt hơn trong tương lai.
Vì âm nhạc là thứ vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, khiến cho khán giả Tây và ta đều hiểu và cảm nhận được, đồng thời thể hiện được vị thế và bản sắc của âm nhạc Việt Nam”.
Thú vị giao hưởng anime
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed