Chi phí để học trò NTK Phan Anh Tuấn thực hiện BST Cội – lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” lên đến 200 triệu đồng.
Mới đây, loạt hình ảnh các thiết kế của sinh viên ngành thời trang Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong buổi tổng kết đồ án tốt nghiệp được chia sẻ, gây chú ý. Trong đó, các bộ sưu tập của học trò NTK Phan Anh Tuấn như: Cội của Giang Thảo, SomRong của Danh Tính và R.A.C của Thảo Vy nhận được nhiều lời khen ngợi về cả mặt hình thức lẫn nội dung.
Bộ sưu tập Cội của Giang Thảo.
Giang Thảo xuất sắc khi giành được điểm số cao nhất trong tổng số 21 sinh viên và trở thành thủ khoa ngành thời trang. Bộ sưu tập Cội của cô lấy cảm hứng từ truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, được thể hiện qua phong cách siêu thực trên nền kỹ thuật hiện đại. Đồ án sử dụng hình tượng Lạc Long Quân và Âu Cơ, áp dụng các kỹ thuật in 3D, kinetic trên nền chất liệu gấm để tạo hiệu ứng động khi trình diễn. Theo tiết lộ, chi phí để Giang Thảo hoàn thành dự án này lên đến 200 triệu đồng.
Ngoài Giang Thảo, thiết kế SomRong của Danh Tính cũng nhận được những lời có cánh khi sử dụng chất liệu vải gấm, được mua trực tiếp tại chợ Orussey (Campuchia). Với đồ án tốt nghiệp của mình, Danh Tính sử dụng các phương pháp đính kết thủ công trên nền vải họa tiết mang đậm chất bản sắc Khmer. Bộ sưu tập giúp anh trở thành á khoa trong đợt thực hiện đồ án tốt nghiệp của chuyên ngành thời trang vừa qua.
Các thiết kế SomRong của Danh Tính.
Bên cạnh đó, bộ sưu tập R.A.C của Thảo Vy cũng được khen ngợi. Nữ sinh Tôn Đức Thắng lấy cảm hứng từ rác thải vũ trụ để làm nên các thiết kế này. Bộ sưu tập được Thảo Vy sử dụng các khung thép bọc đất sét. Nhà thiết kế kết hợp nhiều vi mạch điện tử, hiệu ứng đèn chiếu sáng và cắt lazer vải được đính kết tỉ mỉ. Cô nhắn nhủ: “Hãy nói với những người xung quanh về tầm quan trọng của việc bảo vệ không gian cho tương lai của chúng ta”.
Các thiết kế đến từ bộ sưu tập R.A.C của Thảo Vy.
Là người đồng hành với Giang Thảo, Danh Tính và Thảo Vy trong hành trình thực hiện đồ án tốt nghiệp, nhà thiết kế Phan Anh Tuấn bày tỏ niềm tự hào khi các học trò nhận được kết quả xứng đáng sau thời gian dài nỗ lực. Anh nói: “Thời gian 4 tháng được làm việc cùng nhau, trải qua nhiều khó khăn, có lúc muốn gục ngã, tôi và các bạn cùng động viên, khích lệ tinh thần để cùng nhau vượt qua. Tôi tin rằng bộ sưu tập là cột mốc đánh dấu hành trình 4 năm nỗ lực của các bạn và khi nhìn lại, các bạn sẽ không bao giờ hối tiếc”.
Trong vai trò người hướng dẫn, hỗ trợ các bạn trẻ, Phan Anh Tuấn chọn cách lắng nghe, thấu hiểu những sở thích của học trò thay vì áp đặt suy nghĩ của bản thân. Nhà thiết kế đánh giá các bạn trẻ gen Z có tư duy, suy nghĩ cá tính. Vì vậy, anh chọn việc tiếp nhận những tâm tư, nguyện vọng rồi mới đưa ra những góp ý để hoàn thiện hơn.
NTK Phan Anh Tuấn.
“Các bạn luôn yêu, nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng với nghề. Trong quá trình thực hiện đồ án, dù miếng vải lụa dệt bằng tay khổ vải 90 centimet, các bạn cũng có thể xoay sở để may thành một chiếc váy dạ hội rất lộng lẫy. Có những bạn thức suốt đêm để tìm công thức, quy trình lắp ghép, nối điện… để làm vải tự chuyển động theo ý muốn. Điều đó cho thấy các bạn hiểu và có đạo đức với nghề”, anh bày tỏ.
Phan Anh Tuấn thường ngồi lại trò chuyện để thấu hiểu, tìm cách bộc lộ cá tính của học trò vào từng bộ trang phục. “Tôi phân tích từng bước để cho các bạn hiểu những gì nên làm, và những gì mình nên tiết chế lại, để mình có thể truyền tải thông điệp vào trang phục một cách vừa đủ, để mọi người khi nhìn tác phẩm sẽ dễ hiểu hơn, tạo thiện cảm hơn. Hoặc mình có thể gợi ý cho các bạn làm những hướng đi khác, nhưng vẫn thể hiện được cá tính riêng, mạnh mẽ của bạn trẻ”, anh tiết lộ.
Bộ sưu tập Khù Khờ của Nguyễn Thanh Nhân trông cực kỳ ấn tượng.
Ngoài các thiết kế của học trò Phan Anh Tuấn thì bộ sưu tập Khù Khờ của Nguyễn Thanh Nhân cũng thuộc nhóm sinh viên được đánh giá cao. Bộ sưu tập lấy cảm hứng từ câu chuyện: “Nếu tôi chỉ còn một ngày để sống”, kể về hành trình của những kẻ khù khờ đi tìm giá trị sống bằng cái nhìn trong sáng như những đứa trẻ. Từ đó nhà thiết kế truyền tải thông điệp: “Vậy tại sao bạn không sống cho thật trọn vẹn, sống chậm, sống yêu thương nhiều hơn để rồi sau này sẽ chẳng bao giờ nói giá như”.
Nguồn: Sưu Tầm