Vụ Ý Nhi bị yêu cầu tước vương miện sau loạt phát ngôn gây tranh cãi được báo mạng Hàn Quốc đưa tin.
Những ngày vừa qua, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 – Huỳnh Trần Ý Nhi đang trở thành tâm điểm gây tranh cãi trên các trang mạng xã hội bởi loạt phát ngôn liên quan đến bạn trai và “các bạn đồng trang lứa dành thời gian để ngủ, uống trà sữa còn tôi đã thi hoa hậu”.
Mới đây, nhóm tẩy chay người đẹp Bình Định tiếp tục cán mốc 500.000 người sau khi cô có phát ngôn về vua Quang Trung, nhà thơ Hàn Mặc Tử. Không chỉ xếp mình ngang hàng với các cổ nhân, chính thái độ hời hợt, có phần đùa cợt khi nói về các danh nhân lịch sử của Ý Nhi mới là nguyên nhân chính làm thổi bùng sự phẫn nộ của công chúng. Ngoài ra, một trang báo mạng Hàn Quốc cũng đã đưa tin về vụ việc người đẹp gốc Bình Định bị yêu cầu tước vương miện.
Hình ảnh Ý Nhi và Đào Thị Hiền trả lời phỏng vấn với thái độ cười cợt, tự sánh mình với các nhân vật lớn trong lịch sử khiến dư luận bức xúc.
Sau Hoa hậu Ý Nhi, Á hậu 1 Đào Thị Hiền cũng gây phẫn nộ khi được hỏi kể tên về 5 người nổi tiếng nhất Nghệ An, cô nhanh chóng đáp: “Hương Tràm, em, Đào Thị Hà,… à Bác Hồ, Phan Bội Châu”. Dưới phần bình luận, nhiều cư dân mạng để lại lời bình luận thể hiện sự không hài lòng trước thái độ thiếu khiêm nhường, lỗ hổng kiến thức của cả 2 người đẹp.
Hiện tại, nhóm tẩy chay Hoa hậu Ý Nhi đã cán mốc 500.000 người dù cô mới đăng quang chưa đầy 2 tuần.
Chia sẻ về vấn đề này, PSG.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Ở một khía cạnh nào đó, tôi vẫn thấy Ý Nhi là nạn nhân. Cô có thể là nạn nhân của nền công nghiệp hoa hậu – nơi nhiều người xem kinh doanh hoa hậu là một lĩnh vực có thể kiếm lời.
Điều này cũng khiến nhiều bạn trẻ như Ý Nhi đặt mục tiêu luyện các kỹ năng hoa hậu như một con đường để khởi nghiệp và phát triển sự nghiệp của mình và bớt chú tâm đến các năng lực kiến thức cốt lõi. Cô được công nhận trở thành hoa hậu không phải là lỗi của cô, lỗi là do BTC, là do tiêu chí của giám khảo trong việc lựa chọn hoa hậu chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng. Bản thân chúng ta cũng mắc sai lầm vì ‘nhân vô thập toàn’. Và hãy tạo điều kiện cho những người khác mắc sai lầm được sửa chữa chứ không phải trả giá”, ông cho biết thêm.
Kỹ năng trả lời phỏng vấn, ứng xử trước truyền thông của Ý Nhi không được đánh giá cao khi cô liên tục mắc sai lầm, thiếu cẩn trọng trong những phát ngôn của mình.
Trước Ý Nhi, Hoa hậu Đoàn Thiên Ân cũng từng có phát ngôn gây tranh cãi khi tham gia đấu trường quốc tế Miss Grand International. Cô thẳng thắn chia sẻ cảm xúc sau khi bị loại: “Tôi không tệ đến mức bị loại khỏi top 10”. Dân mạng cho rằng, Thiên Ân đang quá tự tin vào bản thân bởi mỗi thí sinh trong top 10 đều có những thế mạnh riêng.
Hoa hậu Thiên Ân trong cuộc thi Miss Grand International 2022.
Còn Hoa hậu Tiểu Vy cũng từng gây chú ý khi nói rằng: “Học là con đường dẫn tới thành công nhưng bên cạnh đó mình cần trau dồi các kỹ năng sống khác nhiều hơn nữa. Tôi nghĩ học không hẳn là con đường duy nhất quyết định thành công của một người”. Khán giả cho rằng, ở cương vị của một hoa hậu, ngoài sắc đẹp, học thức, trí tuệ cũng cần phải trau dồi và quan trọng không kém.
Hoa hậu Tiểu Vy từng khiến khán giả thất vọng vì màn ứng xử kém tinh tế.
Từ những sự thiếu tinh tế, thiếu hiểu biết này, không ít khán giả một lần nữa đặt dấu hỏi về chất lượng các cuộc thi nhan sắc. PSG. TS Trần Thành Nam phát biểu: “Bản thân các cuộc thi nhan sắc trước nay luôn là một chủ đề gây tranh cãi. Chúng ta cũng thấy đây là một diễn đàn để tôn vinh vẻ đẹp và sự tự tin của phái đẹp. Tuy nhiên nhiều người cũng phản đối vì cho rằng nó tạo nên những áp lực không đúng đắn về tiêu chuẩn ngoại hình đối với phụ nữ, dẫn đến chỉ chú trọng hình thức bề ngoài.
Chính vì vậy, cộng đồng mới trở nên khó chấp nhận với những lỗ hổng kiến thức của những thí sinh hoa hậu, được xem là đại diện cho hình ảnh tài sắc của phụ nữ trong xã hội. Nhất là khi sứ mệnh của những người đẹp này phải thực hiện các trách nhiệm lan tỏa hình ảnh tích cực đến cộng đồng thì khả năng giao tiếp, trình độ nhận thức và EQ càng trở nên quan trọng hơn”, ông nói.
Liên tục có những phát ngôn gây tranh cãi là nguyên nhân khiến Ý Nhi trở thành Hoa hậu ồn ào nhất lịch sử Miss World Vietnam.
Bên cạnh tài năng, thì kỹ năng phỏng vấn, thuyết trình, trả lời ứng xử trước truyền thông cũng phần nào phản ánh được tư duy của các người đẹp.
Bà Lu Sierra – Huấn luyện viên catwalk lâu năm của Hoa hậu Hoàn vũ chia sẻ, người đăng quang ngôi vị cao nhất cần phải học cách ăn nói, văn hóa ứng xử. Họ phải có kỹ năng thuyết trình, không phải nói nhiều là tốt, quan trọng là phải thông minh. Người có khả năng nói trước đám đông mới có thể lan tỏa được sức ảnh hưởng của mình đến cộng đồng.
Thùy Tiên là một trong số ít những người đẹp được đánh giá cao về kỹ năng phỏng vấn, ứng xử khôn khéo trước công chúng.
PGS. TS Trần Thành Nam bày tỏ: “Để những danh hiệu trở nên có giá trị thực sự với cộng đồng, những người giữ danh hiệu phải được chuẩn bị sẵn sàng các kỹ năng. Vì vậy, khi bắt đầu tham gia một cuộc thi sắc đẹp thì các bạn cũng phải chuẩn bị kỹ năng để đương đầu với các nhiệm vụ theo trách nhiệm. Các bạn hoa hậu cũng cần ý thức được rằng danh hiệu và sắc vóc chỉ là tiền đề, bệ phóng đầu tiên để các bạn xây dựng sự nghiệp còn để phát triển sự nghiệp bền vững thì cần tinh thần học hỏi và phát triển bản thân liên tục, từ kỹ năng trình diễn, nghệ thuật giao tiếp, kiến thức về văn hóa, xã hội và các vấn đề thời sự đương đại.
Họ cũng cần kỹ năng xây dựng và duy trì mối quan hệ tích cực với cộng đồng qua đó xây dựng thương hiệu cá nhân. Các bạn có thể mắc sai lầm nhưng hãy xem nó là cơ hội học hỏi cho những nỗ lực tiếp theo. Chúng ta không sợ sai nhưng chúng ta phải kiên định những chuẩn mực đạo đức và giá trị tích cực với cộng đồng. Đó là gốc rễ để có sự nghiệp phát triển bền vững”, ông nhận định.
Nguồn: Sưu Tầm